Cách chữa viêm xoang ở trẻ nhỏ

Trẻ em là đối tượng thường gặp các vấn đề về đường hô hấp, và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm xoang ngày càng tăng. Nếu viêm xoang không được điều trị, can thiệp đúng cách rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên tắc điều trị bệnh viêm xoang ở trẻ

  • Làm giảm các triệu chứng lâm sàng.
  • Kiểm soát nguyên nhân nhiễm trùng: siêu vi, vi khuẩn, nấm…
  • Phòng tránh các yếu tố gây dị ứng: khói thuốc lá, bụi nhà, lông vũ, phấn hoa…
  • Điều trị các bệnh nền nếu có như: trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch…
  • Điều trị các bất thường về giải phẫu mũi xoang nếu có.

Các biện pháp điều trị tại nhà

Với các triệu chứng của viêm xoang cha mẹ có thể giúp bé khắc phục bằng nhiều biện pháp đơn giản, áp dụng ngay tại nhà như sau:

  • Xông hơi: xông hơi giúp đường thở thông thoáng, giảm nghẹt mũi. Mẹ có thể cho bé xông hơi với 1 số loại lá chứa tinh dầu như lá sả, chanh, bưởi, khuynh diệp (bạch đàn), bạc hà, húng, trầu, lá hoặc củ gừng…. Tắm nước ấm thêm chút gừng cũng giúp các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi giảm nhanh.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả cao. Rửa mũi giúp đẩy các chất dịch đọng trong các xoang mũi ra, vừa giúp giảm tình trạng viêm, vừa giúp làm dịu niêm mạc mũi.
  • Chườm ấm: dùng túi chườm ấm vào vùng đau ở mặt cũng giúp cải thiện triệu chứng.
  • Kê cao gối hơn một chút khi ngủ: điều này giúp giảm áp lực ở xoang từ đó giảm sự khó chịu và giảm đau.
  • Dùng 1 số thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc xịt mũi có tác dụng co mạch tại chỗ. Các mẹ lưu ý là thuốc xịt mũi không cho bé dùng dài ngày để tránh hiện tượng phản ứng ngược, tức là dừng thuốc các triệu chứng trở lên nặng hơn, chỉ nên dùng khoảng 5 ngày cho bé.

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà bé không đỡ mẹ cần cho bé đi kiểm tra xem có nhiễm khuẩn không để dùng thêm kháng sinh.

Phòng bệnh

Một số biện pháp để phòng bệnh viêm mũi xoang cho trẻ em gồm:

  • Điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng tức thì. Như vậy có thể ngăn cản sự nhiễm khuẩn ở các xoang đang phát triển.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị cảm hoặc đang nhiễm khuẩn  đường hô hấp trên do siêu vi. Nếu phải tiếp xúc với những người này thì phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc thì phải rửa tay ngay lập tức.
  • Tránh xa khói thuốc lá trong nhà hoặc ở những nơi vui chơi công cộng, vì khói thuốc kích thích làm cho niêm mạc mũi xoang bị viêm nặng hơn.
  • Nếu đã có cơ địa dị ứng thì tránh những tác nhân gây bộc phát dị ứng, nên nói cho bác sĩ biết trẻ có đang điều trị bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu hay không.
  • Tránh hít thở không khí khô khan. Nên dùng máy tạo ẩm trong nhà hoặc nơi trẻ học tập để làm ẩm không khí.