Câu hỏi: Việc dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi và hút mũi hàng ngày cho trẻ có ảnh hưởng gì đến niêm mạc mũi không, thưa bác sỹ? (Ngọc Nhi- Thanh Hóa)
Bác sĩ Phùng Thị Hương Loan – Nguyên trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Nhi Trung Ương trả lời:
Bạn Nhi thân mến! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Cojecamcum.vn. Về thắc mắc: Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ hàng ngày có ảnh hưởng đến niêm mạc mũi không? của bạn, tôi xin giải đáp cụ thể như sau:
Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ hàng ngày có ảnh hưởng đến niêm mạc mũi không?
Việc dùng NaCL9%o thường xuyên hàng ngày cho trẻ là không cần thiết. Rửa hút mũi chỉ thực hiện khi mũi có nhiều dịch tiết đặc khiến trẻ phải thở bằng miệng. Nếu hút rửa thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến lớp niêm dịch bề mặt của niêm mạc mũi.
Hướng dẫn cách rửa mũi cho con đúng cách
Bác sĩ Hương Loan cho biết, chỉ khi nhỏ và hút mũi đúng cách, chất nhờn, dị vật và vi khuẩn trong mũi bé mới bị loại bỏ, nhờ đó hệ hô hấp sẽ thông thoáng và trẻ thở dễ dàng hơn. Theo đó, khi nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ, các mẹ cần thực hiện theo đúng trình tự sau:
– Để trẻ nằm ngữa, đầu ngửa nhẹ ra phía sau.
– Làm ấm nước muối sinh, nhỏ vào mỗi lỗ mũi 2-3 giọt (với trẻ dưới 1 tuổi), 4-5 giọt (trẻ lớn hơn).
– Chờ khoảng 30 giây cho nước muối thấm vào làm loãng dịch nhầy trong hốc mũi.
– Nếu trẻ lớn biết xì mũi, mẹ hãy cho bé ngồi thẳng dậy rồi hướng dẫn trẻ xì mũi thật nhẹ nhàng để loại bỏ dịch nhầy trong mũi ra ngoài.
– Trường hợp trẻ không biết xì mùi, mẹ nên dùng bóng hút để hút hết dịch nhầy trong hốc mũi. Cách hút như sau: Bóp xẹp bóng hút, đưa phần đầu hút vào bên trong cửa mũi, lấy tay còn lại bít kín mũi bên kia rồi buông bóng phình ra để hút chất nhầy. Làm tương tự với bên mũi còn lại.
– Mẹ có thể thực hiện nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ 3-4 lần/ngày, tốt nhất nên thực hiện trước khi cho bé ăn và ngủ.
Một vài lưu ý khi rửa mũi cho trẻ:
– Nên rửa mũi cho trẻ trước giờ ăn, có thể rửa 2-3 lần/ngày tùy theo tình trạng sổ mũi của từng bé.
– Tuyệt đối không sử dụng xi lanh để rửa và hút mũi cho trẻ.
– Nên sử dụng những dụng cụ rửa mũi chuyên dụng, đầu ống phải mềm mại và tròn để tránh tình trạng gây tổn thương vùng mũi của trẻ.
– Tuyệt đối không sử dụng miệng hút mũi cho trẻ, vì có thể khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
– Không nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý quá nhiều khi trẻ không có dấu hiệu bị viêm mũi vì sẽ làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ.
Hy vọng với những thông tin tư vấn từ bác sĩ Loan, mẹ Nhi đã biết khi nào nên và không nên nhỏ mũi và hút mũi cho con cũng như biết cách nhỏ và hút mũi cho con đúng cách. Chúc bé luôn khỏe mạnh, thông minh và chóng lớn!