Cảm cúm là bệnh do virus ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, trong đó sổ mũi, ngạt mũi là triệu chứng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh chủ yếu là giảm bớt các triệu chứng thông qua các biện pháp chăm sóc như tăng cường cho bé bú, giữ ấm và làm ẩm không khí. Ngoài ra cần đưa bé đi khám để tránh các biến chứng như viêm phế quản hay viêm phổi.
Các triệu chứng bé có thể gặp phải là chảy nước mũi, nghẹt mũi. Lúc đầu chảy nước mũi sẽ rõ ràng nhưng sau đó có thể trở nên đặc hơn, khi bội nhiễm vi khuẩn sẽ có màu xanh vàng. Ngoài ra bé còn có sốt, hắt hơi, ho nhẹ, khó ngủ và có thể bỏ bú.
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi các mẹ cần cho bé đi khám luôn nếu có dấu hiệu của cảm cúm bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu nên bệnh dễ tiến triển nhanh thành viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Kể cả khi không có biến chứng thì nghẹt mũi, khó thở sẽ làm bé khó chịu, mệt mỏi và bỏ bú. Khi bé lớn hơn, bác sĩ có thể hướng dẫn cho bé điều trị ngoại trú tại nhà.
Biện pháp khắc phục
Ngoài đưa bé đến bác sĩ khám các mẹ hãy chú ý chăm sóc bé bằng một số biện pháp sau để bé nhanh khoẻ nhé.
- Tránh để bé mất nước: mẹ cần tăng cường cho bé bú để bổ sung nước, đồng thời tăng khả năng miễn dịch.
- Rửa mũi và hút mũi cho bé: hàng ngày rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch khoang mũi, tránh dịch mũi đọng lại làm bé nghẹt mũi, khó thở và dễ bội nhiễm vi khuẩn.
- Làm ẩm không khí: Không khí ẩm có thể giúp cải thiện triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi. Xông hơi bằng các loại lá chứa tinh dầu như sả, chanh, bưởi, khuynh diệp (bạch đàn), bạc hà, húng, trầu, lá hoặc củ gừng… sẽ giúp bé phục hổi nhanh hơn.
Các biện pháp phòng chống
Trẻ sơ sinh bị cảm cúm rất dễ gây biến chứng do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, vì vậy “phòng hơn chống”:
- Tránh để bé tiếp xúc với người bị bệnh, không để trẻ sơ sinh đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi cho bé bú hay chăm sóc bé.
- Vệ sinh đồ chơi của trẻ và núm vú giả thường xuyên.
- Người lớn cần chú ý che chắn bằng khăn giấy khi ho hay hắt hơi.