Cách chữa viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi… Các triệu chứng này thường bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Một số người chỉ bị viêm mũi dị ứng theo mùa vì họ nhạy cảm với các chất gây dị ứng chỉ có trong những thời điểm nhất định trong năm (cây cỏ, phấn hoa..). Trong khi có những người trải qua tình trạng này quanh năm bởi chát gây dị ứng không theo mùa (bụi nhà, lông chó, mèo…). Hầu hết những người bị viêm mũi dị ứng đều có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị đơn giản và hiệu quả.

Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng chia làm hai nhóm:

  • Điều trị đặc hiệu: Tác động vào dị nguyên và kháng thể dị ứng.
  • Điều trị không đặc hiệu: Tác động vào các hoạt chất trung gian và triệu chứng lâm sàng.

Điều trị cụ thể

  1. Các phương pháp điều trị đặc hiệu

– Các biện pháp phòng tránh nguyên nhân gây dị ứng:

+  Bằng cách thay đổi nơi ở, nơi làm việc hoặc đổi nghề, thay đổi thuốc, đổi chế độ ăn.

+  Phương pháp này khó thực hiện vì nó làm đảo lộn cuộc sống.

– Phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu:

+  Đây là một trong các liệu pháp miễn dịch, được coi là “vaccin” trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.

+  Có thể dùng đường tiêm dưới da, nhỏ dưới lưỡi hoặc nhỏ tại chỗ ở mũi.

  1. Các phương pháp điều trị không đặc hiệu

Thuốc sẽ không chữa được dị ứng của bạn nhưng có thể sử dụng để điều trị các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… Điều trị trị viêm mũi dị ứng nói chung như nhau giữa người lớn và trẻ em. Sau đây là một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

  • Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng histamin làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bằng cách ngăn chặn các phản ứng hoá học của histamin. Đây là loại thuốc không kê đơn nên bạn có thể mua tại các nhà thuốc. Thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ vì vậy tránh dùng thuốc trước khi vận hành máy móc hoặc lái tàu xe. Tránh các đồ uống như rượu, bia trong quá trình sử dụng thuốc.

  • Thuốc co mạch họ phenylamine dùng để uống

Ephedrine,  pseudoephedrine,  phenylephrine,  thường  phối  hợp  với  kháng histamin. Tác dụng co mạch và chống phù nề, giúp thông mũi nhanh chóng.

  • Thuốc co mạch họ imidazoline dùng nhỏ mũi  (Xylometazoline, Oxymetazoline, Naphazoline, Antazoline)

Có tác dụng tốt và nhanh chóng. Tuy nhiên bệnh nhân cũng bị quen thuốc, phải tăng  liều. Dùng  lâu sẽ bị hiệu ứng dội, mũi nghẹt nặng hơn khi ngưng thuốc. Và vòng luẩn quẩn này sẽ dẫn đến bệnh viêm mũi do thuốc nhỏ mũi, khó trị. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể gây những tác dụng phụ toàn thân như thuốc uống.

  • Corticoid

Nếu bạn có các triệu chứng thường xuyên hoặc bạn bị nghẹt mũi nhiều, polyp mũi, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mũi chứa corticoid. Corticoid giúp giảm viêm, sưng tấy. Thuốc thường được kê một đợt dùng khoảng 5-7 ngày. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc có thể là khô mũi, kích ứng mũi hay chảy máu cam.

Các mũi tiêm corticoid kéo dài là phương pháp điều trị cuối cùng và chỉ được khuyên cáo trong những trường hợp đặc biệt do những nguy cơ như tăng cân, loãng xương, huyết áp, giảm miễn dịch…