Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cảm cúm có kèm sốt và ho nhiều phải làm sao?

Trẻ bị cảm lạnh, kèm theo sốt, ho, sổ mũi là bệnh vặt rất thường gặp khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường do virus và sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần dùng kháng sinh, nhưng nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách có thể khiến trẻ bị bệnh viêm phế quản, viêm phổi … Hãy cùng suckhoetongquat.com tham khảo những thông tin dưới đây để có thêm kinh nghiệm chăm bé trong mùa lạnh và nắng nóng nhé!

Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh, ho, sổ mũi

Thủ phạm chính gây cảm lạnh thông thường là virus rhino (bắt nguồn từ “rhin” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là mũi). Loại siêu vi trùng này bám vào bụi nước trong không khí và con người rất dễ hít phải. Hơn 100 loại virus rhino khác nhau có thể thâm nhập vào niêm mạc ở mũi và họng, kích thích một phản ứng miễn dịch gây sưng họng, đau đầu và khó thở.

Không khí khô – dù ở trong hay ngoài nhà – đều có thể làm giảm khả năng kháng virus rhino của cơ thể. Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động cũng bị tác hại này. Những người hút thuốc dễ bị cảm lạnh hơn người thường, với các triệu chứng tồi tệ và lâu hơn, rất dễ dẫn đến viêm phế quản hoặc thậm chí hay ra đường với mái tóc ướt sẽ khó tránh khỏi cảm lạnh.

Trẻ bị cảm lạnh thường gặp trong một số trường hợp:

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai: cha mẹ cho trẻ ngủ ở nơi lộng gió, sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt hoặc nằm ngủ trong phòng có điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Nắng nóng khiến trẻ ra nhiều mồ hôi hơn trong khi người lớn sợ trẻ lạnh lại trùm kín quá mức, nhất là với trẻ sơ sinh, gây đổ mồ hôi ngấm ngược vào cơ thể.

Nhiều cha mẹ lại sai lầm cho trẻ tắm mát ngay khi vừa chạy nhảy, vận động. Lúc này cơ thể bị nóng lạnh đột ngột, rất dễ gây cảm lạnh. Do vậy, khi cơ thể ra nhiều mồ hôi không tắm ngay mà phải ngồi một lúc ở nơi thoáng mát cho ráo mồ hôi mới tắm.

Mùa hè cũng là thời điểm cha mẹ cho con đi biển, đi bơi nhiều. Trẻ thường thích nước nên cha mẹ cho tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước thời gian lâu cũng rất dễ bị cảm lạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, sai lầm lớn của nhiều cha mẹ là mùa hè thường sử dụng quạt hơi nước, phun sương cho trẻ. Hoặc nhiều nhà sử dụng điều hòa nhưng vẫn để thêm một chậu nước trong phòng. Điều này rất nguy hiểm vì đang nóng lại cho hơi nước vào, hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.

Với những trẻ di chuyển bằng ôtô đường dài có điều hòa cũng cần phải lưu ý vì có thể cảm lạnh do thay đổi đột ngột nhiệt độ khi xuống xe. Khi lên xe cha mẹ không nên bật nút điều hòa ở chỗ ngồi lạnh luôn mà cần bật lạnh vừa phải, khi xe chạy một lúc thì tăng nhiệt độ. Trước khi xuống xe cần giảm nhiệt độ trước đó vài cây số để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong xe.