Những chia sẻ mới nhất về một nữ sinh viên sẽ khiến bạn chợt nhận ra tác hại khôn lường của việc tự dùng thuốc cảm cúm.
- Cảnh báo! Đừng chủ quan khi bà bầu bị cảm cúm
- Nguyên nhân tại sạo nam giới bị cảm cúm nặng hơn nữ giới?
Thói quen tự ý dùng thuốc cảm cúm của người Việt
Dịp tết tây vừa qua, khoa cấp cứu bệnh viện Đại học y dược TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 20 tuổi. Cô gái này là du học sinh về thăm gia đình. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng khó thở, toàn thân tím tái và đổ mồ hôi nhiều. Bác sĩ chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân mắc chứng hen phế quản trầm trọng.
Gia đình cho biết nữ bệnh nhân này bị hen suyễn từ nhỏ nhưng đã ngừng thuốc khá lâu vì cảm thấy khỏe hẳn. Sau khi về nước, cô gái bị ho và hắt hơi liên tục, nghĩ rằng bị cảm cúm nên tự mua thuốc uống. Uống liều thuốc cảm cúm, ho, sổ mũi được hai ngày thì nữ bệnh nhân lên cơn khó thở và toàn thân tím tái, thậm chí là không thể mở miệng nói chuyện. Người nhà thấy vậy liền đưa đến khoa cấp cứu bệnh viện.
Bệnh nhân hen suyễn không nên tự ý dùng thuốc cảm cúm
Nguyễn Viết Hậu, bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho nữ bệnh nhân 20 tuổi cho biết rằng người hen suyễn không nên tự dùng thuốc cảm cúm. Chưa kể, bệnh hen suyễn dễ tái phát nên khi cảm cúm phát sinh thì càng nguy hiểm hơn nữa. Việc dùng thuốc không đúng cách, vận động nhiều khi cảm cúm sẽ dễ dẫn đến bội nhiễm đối với người có tiền sử hen suyễn.
Qua trường hợp này, bác sĩ nhấn mạnh một điều rằng những bệnh nhân có tiền sử hen suyễn hoặc bệnh lý đường hô hấp mãn tính thì không được tự dùng thuốc cảm cúm. Ngay khi phát hiện các triệu chứng cảm cúm thì phải đến bác sĩ tư vấn cách điều trị an toàn và tránh những rủi ro phát sinh.
Còn về cách phòng ngừa cảm cúm thì bác sĩ khuyên rằng mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Nếu bị cảm cúm thì nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng nơi làm việc, học hành. Ngoài ra, cũng nên vệ sinh thường xuyên nhiều vị trí như tay nắm cửa toilet, điện thoại hoặc bàn phím máy tính để hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi rút cảm cúm.